Hiểu vể thực phẩm hữu cơ
Theo J.I Rodale – cha đẻ của ngành trồng trọt hữu cơ ở Mỹ thì Thực phẩm hữu cơ là nông sản không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Xuất phát từ niềm tin của nông dân, rằng cây trái lớn lên bằng phân xanh và không sử dụng hóa chất sẽ cho chất lượng tốt hơn, và điều này là đúng!
Tuy nhiên cụm từ “thực phẩm hữu cơ” nghe có vẻ khó phân biệt và khó chấp nhận, bởi lẽ, thực vật động vật nào mà chả có chất carbon, dù nuôi trồng bằng chất hữu cơ hay hóa chất. Để chính xác, có lẽ phải dùng cụm từ “Thực phẩm nuôi, trồng bằng chất hữu cơ” thì đúng hơn, nhưng để ngắn gọn và dễ lan truyền, có lẽ cụm từ “thực phẩm hữu cơ” là ổn nhất.
Phân biệt thực phẩm hữu cơ động vật và thực phẩm hữu cơ thực vật
Thực phẩm hữu cơ động vật: Là động vật được nuôi ở những vùng riêng biệt mà trong thức ăn hay nước uống không có hóa chất nào như thuốc bảo vệ thực vật. Động vật được nuôi lớn tự nhiên mà không sử dụng một loại kích thích tăng trưởng nào cả, ngoại trừ thuốc kháng sinh để chữa bệnh trước 90 ngày khi giết mổ.
Thực phẩm hữu cơ thực vật: Là rau củ quả được trồng tự nhiên, tưới bón bằng phân thiên nhiên chứ không dùng một loại hóa chất bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học nào. Phân thiên nhiên lấy từ phân xác động vật, phân trộn từ các cây cỏ mục nát. Diệt trừ sâu bọ bằng thiên địch hoặc các biện pháp sinh học khác.
Thực ra, dù có hội tụ đủ các yếu tố như trên, thì thực phẩm hữu cơ vẫn có thể bị lây nhiễm một ít các chất hóa học từ các vùng khác lân cận còn sót lại, do đó vấn đề nuôi trồng cách ly trong nhà kính cần được chú trọng.
Thực phẩm hữu cơ thật sự có an toàn?
Trên thế giới và cả ở Việt Nam, thực phẩm hữu cơ đã và đang xuất hiện nhiều ở các shop thực phẩm, các shop hữu cơ và dần đi vào bữa ăn của một bộ phận người có thu nhập cao, do đa phần giá cả của các thực phẩm này khá cao so với thực phẩm bình thường.
Nghiên cứu của Washington State University vào 19-4-2001 cho thấy trái táo hữu cơ chắc hơn và nhiều đường thiên nhiên hơn táo bón bằng hóa chất; nghiên cứu công bố trên Journal of Applied Nuitrition, 1993, cho thấy trái táo, lê, khoai tây có gấp đôi số chất dinh dưỡng của trái cây nuôi bằng hóa chất; nghiên cứu ở Đức cho hay thực vật hữu cơ có ít nitrate hơn.
Quản lý thực phẩm hữu cơ ở nước ngoài
Ngày nay, đi chợ vào khu hàng bán đồ ăn, ta thấy có những món được dán nhãn hiệu “Certified Organic Foods”. Dịch ra tiếng Việt mình sẽ là “Chứng nhận thực phẩm hữu cơ”.
Tại Hoa Kỳ, trước năm 1998, mỗi tiểu bang tự đặt ra quy luật kiểm soát thực phẩm hữu cơ. Đến năm 1998, đạo luật Organic Food Production Act ra đời. Chính phủ liên bang bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn và thực phẩm được bầy bán như Organic Food phải được Bộ Canh Nông chứng thực.
Theo luật này, để được coi là organic, sản phẩm đó phải có ít nhất 50% thành phần là do hữu cơ tạo ra và không được có các chất thêm như nitrate, nitrites, sulfites.
Kể từ 21/10/2002 nhãn hiệu chứng nhận Organic product đã xuất hiện trên một số thực phẩm. Việc dán nhãn này đã được Bộ Canh Nông Hoa kỳ nghiên cứu từ nhiều năm, theo sự yêu cầu của người tiêu thụ cũng như giới nông trại sản xuất. Nhờ đó khách hàng sẽ không bị nhầm lẫn vì khó mà phân biệt thực phẩm organic với thực phẩm nuôi dưỡng bằng hóa chất.
Hiểu nhãn hiệu ghi Thực phẩm hữu cơ như thế nào?
- Nhãn “100% Organic” chỉ các thực phẩm không chứa một tí chất thêm nào;
- Nhãn “Organic” là cho thực phẩm có trên 95% chất organic ;
- Nhãn “Made with Organic Ingredients” chỉ món hàng có ít nhất 70% Organic Ingredients và không được có một chút sulfites nào;
- Nhãn “Some organic ingredients” khi có dưới 70% Organic ingredients.
Nhà sản xuất không được quảng cáo Organic nếu họ dùng hóa chất trong 3 năm trước khi thu hoạch.
Trước khi được công nhận là “Organic”, chính quyền sẽ thanh tra nông trại coi xem sản phẩm và phương thức nuôi trồng có hội đủ các tiêu chuẩn đã đề ra không.